Tư vấn / Hỏi Đáp
Tại sao em mới dùng sản phẩm VG5 mà có cảm giác nóng lồng ngực và hơi bị khô họng vậy? (Hoàng)
Thân chào anh Hoàng,
 
Anh uống VG5 mà có cảm giác nóng lồng ngực và hơi bị khô họng thì có thể anh bị dị ứng với thành phần Cỏ nhọ nồi có trong VG-5. Anh nên dừng thuốc ngay để tránh tình trạng dị ứng này và đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại thuốc khác phù hợp hơn nhé.
 
Ngoài ra, anh cũng nên lưu ý tránh mua các loại thuốc có thành phần Cỏ nhọ nồi để không gặp phải tình trạng nóng lồng ngực và khô họng như trên.
 
Chúc anh luôn khỏe, vui.
Thân ái.
 
 
Cho mình hỏi mình bị tràn dịch khớp gối,mình uống thuốc Revmaton có được không.Dung cám ơn nhiều
Thân chào chị Dung,
 
Danapha đã nhận được câu hỏi của chị từ website danapha.com và xin phản hồi như sau:
 
Revmaton chỉ được chỉ định trong các trường hợp: đau nhức do phong thấp, đau khớp, đau lưng, chân gối yếu mỏi, chân tay tê cứng. Tuy nhiên, tràn dịch khớp gối thường khiến khớp sưng lên và gây đau, do đó chị có thể uống Revmaton để giảm các triệu chứng này.
Chị Dung lưu ý, Revmaton chỉ giúp làm giảm sưng và giảm đau trong trường hợp này chứ không có tác dụng chữa trị. Do đó, chị nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn đúng loại thuốc cần uống nhé.
 
Chúc chị luôn khỏe và vui!
Thân ái.
Tôi nay đã 70 tuổi, bị rất nhiều bệnh, trong đó điển hình là bệnh đái tháo đường, u xơ tiền liệt tuyến, đại tràng mãn.
 
Vừa qua tạp chí Thuốc & Sức khỏe số 507 phát hành ngày 1.9.2014 có bài "Tác dụng của cây Diệp hạ châu đắng" nói về hỗ trợ điều trị đái tháo đường, bệnh về gan, sỏi thận. Tôi đã nấu cây này uống được 1 tháng nhưng con gái tôi xem trên mạng nói rằng cây này uống tốt cho người viêm gan còn người không bệnh uống sẽ bị teo gan. Tôi rất lo.
 
Vậy nhờ chuyên gia giải thích và cho một lời khuyên có nên uống hay không và uống một ngày bao nhiêu? Nay tôi đang uống khoảng 1lit/ngày
(Hà Quốc Trị)
Kính gửi Ông Hà Quốc Trị,
 
Thông tin do con gái ông cung cấp, chúng tôi cũng đã tiếp nhận được từ nhiều nguồn truyền miệng khác nhau. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp nguồn trích dẫn thì không ai tìm thấy.
 
Cũng đã có nhiều nhà khoa học tiến hành nghiên cứu độc tính của lá Diệp hạ châu đắng. Chúng tôi đang có các báo cáo về nghiên cứu độc tính cấp, độc tính đối với tế bào, ... đăng tải trên các Tạp chí khoa học vào các năm 2008, 2011, 2014. Tất cả các nghiên cứu đều đi đến kết luận rằng các dịch chiết nước, dịch chiết cồn của Diệp hạ châu không có độc, cũng như không quan sát thấy sự thay đổi bất thường nào về mặt mô bệnh học ở Gan, Thận và tuyến Tụy.
 
Hiện tại, cả nhà tôi, kể cả bà cụ đã 90 tuổi vẫn uống nước Diệp Hạ Châu hằng ngày, thay cho nước chè, kéo dài cũng đã được 5 năm rồi. Chúng tôi dùng phích nước Rạng Đông (có lõi), mỗi sáng cho vào khoảng từ 2-5 gam và hãm với nước sôi, dùng uống cả ngày. Khi hết, lại tiếp tục thêm nước sôi, uống đến khi thấy nhạt thì thay đợt mới.
 
Riêng về tác dụng trị tiểu đường, trước tiên là xuất phát từ kinh nghiệm dân gian ở Togo, một nước ở châu Phi. Từ kinh nghiệm này, các nhà khoa học đã nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết đối với các cây thu hái ở châu Phi, Ấn Độ. Các khảo sát trên động vật đều đi đến kết luận dịch chiết nước, dịch chiết cồn của Diệp hạ châu đều có tác dụng hạ đường huyết khá tốt. Tuy nhiên, chưa có một báo cáo nào về việc theo dõi tác dụng này đối với người.
 
Ở Việt Nam ta, các nghiên cứu về Diệp hạ châu chỉ mới tập trung vào tác dụng phòng, chống viêm gan B, làm hạ men gan khá tốt mà chưa có các nghiên cứu về tác dụng đối với tiểu đường.
 
Vì vậy, hiện tại chưa thể có một chỉ định, hướng dẫn cụ thể nào về sử dụng để trị tiểu đường. Trường hợp nào thì dùng và dùng như thế nào là những vấn đề còn phải chờ đợi những nghiên cứu tiếp theo. Việc sử dụng hiện tại đối với tiểu đường chỉ mới ở dạng làm theo kinh nghiệm của dân gian. Rất tiếc là chúng tôi không có các tài liệu mô tả cụ thể cách sử dụng của người dân ở châu Phi.
 
Vậy nên, theo chúng tôi, ông vẫn có thể sử dụng mà không ngại độc tính, chỉ cần lưu ý chọn đúng loại Diệp Hạ châu đắng, nế là từ một cơ sở trồng trọt đáng tin cậy thì tốt. Đồng thời với việc sử dụng, cần định kỳ kiểm tra chỉ số đường huyết để có thể tự đánh giá tác dụng của nó ở mức nào.
 
Chân thành cảm ơn ông đã tin tưởng chúng tôi.
Chúc ông luôn khỏe và vui.

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.